Nhờ sàn thương mại điện tử mà nhiều thứ tưởng chừng bỏ đi như lá bàng, than tổ ong, đá cuội bỗng trở nên đắt giá, khiến “thượng đế” cũng phải săn lùng.
Hòn đá 70.000 đồng
Gần đây, trên chợ mạng, sàn thương mại điện tử lan truyền về một hòn đá có giá 72.000 đồng được rao bán rầm rộ. Nhìn sơ qua, vật phẩm có màu đen, xù xì, trông như một hòn đá thường thấy trong vườn, ngoài đường hay khe suối. Nhưng theo mô tả của người bán, hòn đá này được làm bằng nhựa dẻo ABS, có kích thước 8*6*3cm.
Anh Trần Trung (Đống Đa, Hà Nội), người mua đặt mua hòn đá cho biết, thực chất bên trong vật phẩm này là một hốc đá có chức năng để đồ như tiền, chìa khóa, đồng xu và các vật nhỏ. Nếu trông xa, nhiều người sẽ nghĩ đây là hòn đá thông thường nhưng nó lại là một chiếc tủ đa năng giấu đồ bí mật.
Anh Trung kể, anh đặt mua hòn đá là bởi thấy món đồ gây tò mò, kích thích cho người dùng. “Giả sử như có để đồ quan trọng như ví tiền, chìa khóa ở đó thì cũng không ai biết. Trộm vào có lấy thì sẽ chỉ nhặt những thứ quan trọng, chứ không ai đi ôm đống đá này về làm gì”, Trung nói.
Thông tin thêm, anh cho biết, hòn đá này được sản xuất ở Trung Quốc nên khách mua phải đặt từ 5 -7 ngày hàng mới về Việt Nam. Tính cả công vận chuyển, giá hòn đá này rơi vào khoảng 100.000 đồng. Trong đó, 70.000 đồng là tiền đá, 30.000 đồng là phí giao hàng.
Lá bàng 1.000 đồng/chiếc
Tại một số sàn thương mại điện tử, lá bàng khô được rao bán với giá 800 đồng – 1.000 đồng/chiếc. Lá sẽ được đóng vào từng túi, hút chân không và bán theo lô 10 lá/túi hoặc 20 lá/túi. Theo quảng cáo của người bán, lá bàng khô có tác dụng chữa lành vết thương, giúp giữ sạch nước và ngăn chặn một số loại vi khuẩn, nấm mốc.
Anh Ngọc Bảo, tiểu tương bán lá bàng khô chia sẻ, trung bình mỗi ngày, anh bán ra thị trường từ 3 – 5 kg lá. Hàng sẽ được người bán đóng vào từng túi, hút chân không và bán theo lô 10 hoặc 20 lá một túi. Để đảm bảo nguồn cung, anh phải đặt thợ đi nhặt lá bàng về hàng tuần.
“Với dân nuôi cá cảnh, họ chẳng lạ gì lá bàng nữa vì nó có quá nhiều công dụng. Đặc biệt là với những người nuôi cá chọi, cá betta, họ cực kỳ thích loại dược liệu này bởi giá thành rẻ và dễ kiếm” – anh Bảo cho hay.
Ngoài ra, trong lá bàng có chứa chất violaxanthin, violeoxanthin, lutheinepoxid và luthein-izomer nên rất hữu ích trong việc nuôi cá cảnh. Các chất sẽ giúp làm giảm độ pH của nước, giúp cá không bị căng thẳng, chữa lành vết thương, kích thích sinh sản và tăng cường hệ miễn dịch.
Cá cảnh sống trong môi trường có lá bàng sẽ có bộ vây to, dày, khỏe và sáng bóng. Không những thế, lá còn giúp hấp thụ các chất hóa học độc hại sinh ra từ bể cá như NH3, H2S…
Than tổ ong đã qua sử dụng
Ngoài lá bàng, dân chơi cá cảnh hiện cũng săn lùng thêm cả than tổ ong đã qua sử dụng.
Theo anh Đoàn Hiệp (TP Hải Dương), thực tế, việc sử dụng than tổ ong trong chơi cá đã có từ rất xưa. Gần đây, phong trào chơi nuôi cá cảnh trong thùng xốp thuỷ sinh được nhiều người yêu thích nên “đồ chơi” cho cá lại trở thành tâm điểm.
Nhiều người tìm mua than tổ ong đã qua sử dụng theo anh Hiệp là bởi loại than này có thể lọc nước, tăng hệ vi sinh miễn dịch cho cá, làm chỗ trú cho cá con.
“Loại than này ở các tỉnh lẻ, hoặc vùng quê có rất nhiều. Bởi người dân vẫn còn sử dụng để đun nấu. Song ở các thành phố lớn, việc kiếm được than tổ ong không hề đơn giản” – anh Hiệp nói và chia sẻ thêm: Trong miền Nam hay có các xe hủ tiếu gõ đẩy đi khắp nơi sử dụng thì có thể xin miễn phí. Nhưng ngoài Bắc, các nhà bán ăn sáng cũng chuyển sang bếp điện nên rất khó kiếm.