Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, xuất khẩu cá tra – thế mạnh tỷ USD của Việt Nam – lao dốc. Kéo theo, giá cá nguyên liệu trong nước giảm mạnh khiến người nuôi đang thua lỗ nặng.
Nông dân “treo ao”
Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), xuất khẩu thuỷ sản tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. 7 tháng đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu ngành hàng này chỉ đạt 4,38 tỷ USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Đáng chú ý, xuất khẩu cá tra trong tháng 6/2020 giảm tới gần 35%. Tính từ đầu năm đến hết tháng 6/2020, xuất khẩu cá tra đạt khoảng 660 triệu USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kéo theo đó, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh thuộc ĐBSCL trong tháng 7/2020 giảm khoảng 500 đồng/kg so với tháng trước, còn 17.500-17.800 đồng/kg đối với cá tra loại 1 (trọng lượng 700-900 gram/con).
Cũng theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, nhu cầu bắt cá nguyên liệu ngoài của các công ty hiện vẫn yếu. Thị trường vẫn diễn biến chậm do tình hình xuất khẩu ảm đạm với lượng đặt hàng mới không nhiều, lượng tồn kho cao cùng với giá xuất khẩu thấp. Trong khi tiến độ thả nuôi cá thịt chững lại, các hộ nuôi cá thịt tạm thời “treo ao” chờ tín hiệu mới từ thị trường rồi mới cân nhắc việc bắt giống thả lại.
Thực tế, những ngày gần đây, người nuôi cá tra tại ĐBSCL đang chịu cảnh thua lỗ nặng. Giá cá tra chỉ còn 17.000-18.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất từ 5.000-7.000 đồng/kg. Mức giá này thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Với những ao nuôi có sản lượng khoảng 100 tấn, người nuôi đang lỗ gần nửa tỷ đồng.
Hơn 1 tháng nay, người nuôi cá tra ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, TP. Cần Thơ,… như ngồi trên đống lửa khi giá cá giảm mạnh mà vẫn phải xuất bán. Cá đã đến lứa, càng nuôi càng lỗ.
Theo Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN-PTNT), năm 2020, toàn vùng ĐBSCL dự kiến thả nuôi khoảng 6.600ha cá tra, sản lượng ước khoảng 1,42 triệu tấn. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, giá cá nguyên liệu luôn ở mức thấp khiến tình trạng thả nuôi giảm.
Nguyên nhân khiến cá tra lao dốc là đầu ra gặp khó bởi ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới. Chưa kể, sự cạnh tranh từ các quốc gia khác gần đây cũng tăng cường nuôi cá tra.
Đặc biệt, Trung Quốc hiện có 20 nhà máy chế biến cá tra, năng lực sản xuất khoảng 30.000 tấn và đang đẩy mạnh nuôi, chế biến cá tra để phục vụ tiêu thụ nội địa. Do đó, thị trường này giảm nhập khẩu cá tra của Việt Nam.
Tiến ra Bắc, đưa vào bếp ăn tập thể
Như vậy, ngoài nguyên nhân vì dịch Covid-19, cá tra Việt Nam hiện không còn “một mình một chợ” mà chịu cạnh tranh từ rất nhiều đối thủ khác như Ấn Độ, Trung Quốc. Thế nên, ngành cá tra Việt Nam cần tận dụng mọi cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu, thậm chí chiếm được ưu thế trên “sân nhà” sau bao năm bỏ ngỏ.
Thời gian gần đây, để giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm, nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra đã đẩy mạnh ký kết bao tiêu sản phẩm với các hệ thống siêu thị lớn, với các bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp.
Ông Dương Thành Chung – Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất và cung ứng thực phẩm tại Hà Nội, cho biết, đơn vị này đã ký hợp đồng tiêu thụ với một doanh nghiệp chế biến cá tra tại An Giang.
Ông Chung tiết lộ, đã có hơn 60 khách hàng là doanh nghiệp, trường học, siêu thị, bếp ăn quân đội, bếp ăn công nghiệp,… đặt hàng tiêu thụ cá tra và các sản phẩm từ cá tra của công ty ông, với khoảng 100 tấn/tháng, dự kiến đến cuối năm sẽ đạt 230 tấn/tháng.
Doanh nghiệp này cũng cung cấp sản phẩm cá tra sang các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình… thời gian tới tiếp tục mở rộng sang các địa phương khác như Nam Định, Vĩnh Phúc, Phú Thọ; triển khai các dòng sản phẩm cá tra đến bàn ăn của gia đình miền Bắc cũng như xâm nhập vào thị trường miền Trung.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cá tra tại thị trường nội địa là hướng đi đang được thúc đẩy, nhất là trong bối cảnh xuất khẩu thủy sản nói chung, mặt hàng cá tra nói riêng, đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Đây không chỉ là sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao mà quy trình sản xuất cá tra của Việt Nam đã được Bộ Nông nghiệp Mỹ công nhận đạt chuẩn tương đương Mỹ. Điều này cho thấy, cá tra là mặt hàng được kiểm soát, đảm bảo chất lượng, yêu cầu, tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm của thị trường thế giới, ông Tiến chia sẻ.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, không phải vì khó khăn mới quay về thị trường nội địa mà phải xem đây là thị trường trọng điểm. Các doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng đến thị hiếu người tiêu dùng, cần kiên trì vận động tuyên truyền người dân biết đến sản phẩm cá tra đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp, qua đó hình thành thói quen tiêu dùng. Nếu đẩy mạnh tiêu thụ trong nước được 20-30% sản lượng thì ngành cá tra sẽ phát triển bền vững.