Với 500 nghìn đồng, nhiều người bất ngờ khi có thể mua được không ít món ăn đặc sản như bào ngư, khoai Nhật, hay món tóp mỡ khoái khẩu.
Bào ngư giá rẻ nhập từ Trung Quốc
Bào ngư trong nước có giá bán buôn khoảng 450 nghìn đồng/kg, giá bán lẻ khoảng 600 nghìn đồng/kg. Trong khi đó, bào ngư nhập khẩu Trung Quốc chỉ có giá bán buôn khoảng 340 nghìn đồng/kg, giá bán lẻ 500 nghìn đồng/kg.
Theo chủ một hàng buôn, mặt hàng bào ngư Trung Quốc dù có giấy tờ đầy đủ, nhưng chỉ là hàng cấp đông.
Tuy nhiên, không phải cơ sở nào cũng bán hàng có đầy đủ giấy tờ, nhất là bào ngư trôi nổi trên mạng.
Chi nửa triệu mua cân tóp mỡ về “ăn dè”
Vốn là phần thừa của những khẩu mỡ khi rán lên, tóp mỡ là món ăn của thời kỳ bao cấp khó khăn. Thế nhưng hiện nay, nó lại trở thành đặc sản được bày bán trong các cửa hàng thực phẩm sạch với giá đắt đỏ.
Thậm chí, một số loại tóp mỡ còn được bán với giá 400 – 500 nghìn đồng/kg và phải đặt 2 – 3 tuần mới có hàng.
Ngoài tóp mỡ thường, nhiều cửa hàng còn bán thêm các vị như: tóp mỡ rim mắm, tóp mỡ chiên tỏi bơ…
Do đó, giá cũng được chia thành nhiều loại như: tóp mỡ chiên mắm 500.000 đồng/kg, tóp mỡ nạc 350.000 đồng/kg, tóp mỡ quay dẻo 380.000 đồng/kg, tóp mỡ rim tỏi ớt 450.000 đồng/kg, tóp mỡ lá chanh 460.000 đồng/kg.
500.000 đồng/kg khoai lang xách tay từ Nhật
Khoai lang Nhật trồng ở Việt Nam chỉ có giá vài chục nghìn đồng/kg, nhưng khoai “đi máy bay” thì không phải ai cũng được thưởng thức. Bởi loại khoai xách tay từ Nhật này khá hiếm và đắt đỏ.
Theo người bán, loại khoai lang nhập từ Nhật này dẻo thơm, không bị khô khi chế biến, nên rất được chị em ưa chuộng.
Giá hiện tại của loại khoai này đang được các cửa hàng hoa quả nhập khẩu bán với giá 500 – 750 nghìn đồng/kg.
Khoai lang Nhật trung bình nặng 600 – 700g/củ, có loại to đến 1 kg. Tính ra, mỗi củ có giá lên tới 500.000 đồng nên nhiều tiểu thương còn chia nhỏ, thái lát, luộc sẵn, ép vỉ thành 3 miếng/gói để bán.
Na rừng đỏ rực, giá đắt gấp 3 na thường
Cùng giống na, nhưng na rừng Tây Bắc lại có ruột màu đỏ, trọng lượng lớn từ 1 – 4 kg. Tuy nhiên, giống na này vốn dĩ chỉ dùng để ngâm rượu, chứ không thể ăn như na bình thường.
Trước đây, do ít được khai thác, nên giá na rừng lên tới 300 nghìn đồng/kg. Song hiện nay, nhiều người đã biết vào rừng hái đem bán, nên giá đã giảm còn khoảng 100 nghìn đồng/kg.
Na rừng không ăn được, nhưng theo người dân Điện Biên, na có rất nhiều tác dụng trong việc bồi bổ cơ thể và chữa bệnh. Với người dân Điện Biên thì rễ cây, thân cây và quả của cây na rừng đều có tác dụng chữa bệnh. Nhất là quả na rừng, khi ngâm rượu có thể trị phong thấp, làm thuốc an thần trị chứng mất ngủ và là bài thuốc bổ dương rất hiệu quả.